22.6.11

bầy mộ cũ


bầy mộ cũ nằm bên đầu dốc
góc rừng mùa hạ xác xơ cây
ta bao lần qua trên lối này
gió lay lay - hay hồn ghé lại

này mộ cũ, tên người không có
chết lâu chưa mà cỏ ngang đầu ?
sau lưng người là những hố sâu
mai mốt xương cốt còn đâu nữa

người chết giữa Trường Sơn gió hú
chết trong tù khi lỡ buông gươm
chết bao năm hồn còn vất vưởng
nợ nước trả rồi tiếc mà chi ?

ta ở trại này năm thứ sáu
thấy chết nhiều hơn kẻ sống còn
muốn thăm bè bạn đã chết non
đành lòng đợi - một mai trở lại

người ngủ yên giữa rừng gió hát
ta còn đây đau kiếp đi đày
người thản nhiên về với cỏ cây
thôi đừng nhớ những gì phải nhớ

một tiếng chào nhau không thể có
chia tay thôi ! rừng đã xuống chiều
qua đây ta buồn biết bao nhiêu
thương bầy mộ - bạn bè nằm đó

nguyễn thanh-khiết

Viết cho bè bạn đã nằm lại trên đồi Vĩnh Biệt
trong Thung Lũng Tử Thần





18.6.11

Ngày nắng trên đồi


nắng hạ Lào đốt khô đồi trọc
mồ hôi tù thấm mặn Trường Sơn
đồi trùng trùng tù leo lên dốc
theo tuổi tù dốc dựng cao hơn

giặc dí súng lùa về láng trại
nắm rau hoang ngắt vội bên đường
cây cỏ tội thân tù mọc đại
trên đất thù cháy ngọn mà thương

nắng như lửa bừng bừng giữa núi
hơi mờ mờ như khói như mây
bụi như hốt phủ đầy mặt mũi
sông núi hay chăng phận đi đày

suối cạn vạch rêu thò tay múc
ngụm nước nặng mùi tanh của rong
cắn răng nuốt cho tròn vinh nhục
nợ sơn hà bất kể đục trong

lưng trần trụi còng theo quang gánh
xuống lũng sâu trèo ngược lên đồi
gót chân nứt da bong từng mảnh
giang san này đã mất đành thôi

nắng vẫn cháy trên thân tù tội
núi vẫn khô theo kiếp đi đày
trong gió đưa như lời sám hối
hận một ngày lầm lỡ xuôi tay

nguyễn thanh-khiết
Z30 D - A20 với những ngày trong trại giặc

12.6.11

Mửa máu


hắn chết khi máu trào ra lần cuối
trên bục nằm loang lỗ lạnh buốt xương
quần áo rách bươm phơi dãy xương sườn
manh chiếu nát tặng lại người sống sót

hắn chết giữa mùa đông, trời Phú Khánh
Trường Sơn thở dài rước một sinh linh
hai năm mửa máu hắn cố dọn mình
khi nằm xuống cỏ rừng che nấm mộ

Trại Trừng Giới - ba ngàn người cùng khổ
đang gối đầu với cái chết vì lao
thức dậy, chưa đứng lên máu đã trào
lũ vi khuẩn rủ nhau bay vào gió

thằng úp mặt vào tường ho ra máu
thằng nín hơi cố giữ mạng qua ngày
nhà giam kín bưng nằm xuống sát vai
thần chết đêm đêm về khoe lưỡi hái

Trại Trừng Giới và những cơn sợ hãi
trên thân tù - từng da ngựa bọc thây
cuộc chiến cuối – trời ơi ! đau như vậy
Trường Sơn đành lòng đứng sửng không hay

hắn chết, úp mặt nằm trên vũng máu
giọt máu ngày nào từng bón núi sông
hắn chết không phải vào giữa đêm đông
mà vĩnh biệt khi gà rừng gáy sáng

Trại Trừng Giới những oan hồn lảng vảng
hát nghêu ngao bài hát ứa máu tươi
dãy biệt giam xiềng xích hả hê cười
đám chúa ngục khúc khắc ho từng tiếng


nguyễn thanh-khiết

(viết cho những A20 mửa máu quay về và vĩnh biệt những A20 đã mửa máu và ra đi)
1983-1986


11.6.11

Cho người nằm lại đây


Đá sỏi La Hai núi đồi Xuân Phước
trại giặc này ta ở đó sáu năm
đời tù mà ngày về không biết trước
bạn bè ơi ! bao kẻ chết âm thầm

những cái xác còn trừng con mắt ngó
ốm tong teo chôn vội giữa Trường Sơn
những cái xác trụi trần phơi sương gió
chết bơ vơ trong tủi nhục, căm hờn

A 20 ơi ! gông cùm khua rổn rảng
trong mưa mù ai thắp đuốc chôn nhau
nắm đất đào sơ thây vùi thật cạn
kiếp nạn này làm tắt vạn vì sao

mười năm bệnh tật theo chân rượt đuổi
mười năm tù vinh nhục trở bàn tay
người chết cố nhìn thêm giây phút cuối
Trường Sơn như vầy xác gởi cho ai ?

ta ở sáu năm đếm từng bè bạn
nhớ mãi trong lòng những cái chết đau
Thung Lũng Tử Thần trùng trùng khổ hạn
thương cho ai lỡ bỏ súng hôm nào

 nguyễn thanh-khiết
(những ngày ở A20)




28.5.11

cho những người vợ tù


người gồng gánh vượt đường xa qua núi
trại tù nào giặc cũng dựa Trường Sơn
tội tiểu thư thân trót đành phận rủi
nếm mật nằm gai khi mất giang sơn

thương chi chồng, xót chi thân mất nước?
nhịn mặc, nhịn ăn lặn lội đường rừng
cái chết trong tù bao giờ biết trước
gặp một lần đánh đổi mấy gian truân

ôi! người vợ đã theo chồng chinh chiến
đã nuôi chồng qua biết mấy trại giam
tiểu thư xưa già theo ngày quốc biến
chân đạp gai rừng lưng cõng nước Nam

người vợ của tù binh trên đất giặc
vẫn hiên ngang qua những cánh rừng già
mười năm, theo chồng - đau thương dằng dặt
món nợ này sao có thể bỏ qua?

con dại mười năm đè lên vai nhỏ
theo dấu chân tù chẳng có ngày ra
cửa nát nhà tan giặc thù vẫn đó
ôi ! người vợ tù khi cuộc chiến qua

 nguyễn thanh-khiết
A20
Bài thơ riêng kính tặng chị Như-Lan (A20 Vũ Trọng Khải phu nhân)





thói người trong ngục



thằng đội trưởng lăng xăng trà với thuốc
lũ cai tù ghìm súng dưới lều tranh
bốn mươi bộ xương rã rời tay cuốc
mồ hôi đầm đìa thấm cả đá xanh

đời tù tội xếp hàng theo thứ bậc
phụ tá cai tù, mỗi lúc mỗi đông
đám uống máu tù mỗi năm mỗi chật
những kẻ mồ côi chỉ có tay không

thằng phản bội có trăm chiêu ngàn kế
vinh thân phì da trên xác anh em
lũ giàu sang đã một thời chễm chệ
vào tù huênh hoang, cái thói sang hèn

thương mấy đứa trụi trần thân với thế
một đời tù nhìn thấy hết bon chen
tiếc một giang san quá nhiều thứ tệ
xót một màu cờ trót giữ bao phen

trong lớp lớp tù lu bu chật chội
mỗi ngày ta gậm hết những đắng cay
thứ cay đắng muôn đời không hiểu nỗi
ta là ai, mà đến thế gian này

 nguyễn thanh-khiết
thời tù ngục ở A20





27.5.11

Mưa trên trại thù



như những bóng ma chập chờn bên núi
đám tù lết về trại dưới chiều mưa
Trường Sơn trùng trùng, ngày qua ngắn ngủi
đời tù lụn dần theo sáng theo trưa

đêm mưa rớt từng cơn ngoài lán trại
chỗ nằm đau trên bệ đá lạnh căm
những giấc mơ của một thời quan ải
nuôi từng ngày với nỗi đợi âm thầm

gió núi thấm trên thân tù rách rưới
lát khoai khô không bẻ gãy hận xưa
tù nghiến răng trong từng mỗi nụ cười
mười năm oằn oại mối thù chưa rửa

mùa mưa xuống từng ngày trên trại giặc
mưa rớt buồn, mưa rớt giữa Trường Sơn
tù lắng nghe sấm gầm trong khuya khoắc
cái nhớ thành xưa ruột thắt từng cơn

mưa dỗ tù hiên ngang đi vào mộng
áo giang hồ mưa lấm, tiếc mà đau
tù nhắm mắt rơi vào muôn tưởng vọng
mùa mưa xuống trại thù - không qua mau

 nguyễn thanh-khiết
A20 mùa mưa ở Trường Sơn






5.8.10

Đi qua đồi vĩnh biệt


chiều đi ngang chân đồi vĩnh biệt
sương rừng treo mờ mịt lối qua
thằng chết rồi như đứng ngó ta
đang khập khểnh bước về phía trại
đồi vĩnh biệt hàng bia xiêu vẹo
bóng thời gian phủ xuống mộ người
gió Trường Sơn như tiếng ma hời
đau đớn thổi ru đời tù tội

mưa xói mòn đá rơi, cát chảy
phơi áo quan cũ mục ven sườn
cái chết trong tù đã thảm thương
vùi trong đất, đất không thèm chứa
đồi vĩnh biệt mùa đông gió rét
lạnh căm căm dưới bóng rừng già
đám dây leo trải thảm từ xa
nuốt dần di vết người quá cố


nhớ hôm đi phát cỏ bên rừng
trong lau sậy còn bia Lương-Thiện
áo quan rã, xương còn dăm miếng
gom chưa đầy một vốc trên tay
Võ Văn Thắng mới chết nằm đây
bia đã gãy ngả nghiêng dưới hố
bạn bè ta chiến chinh mấy độ
giờ chết đau, ôi! một kiếp tù


chiều đi ngang qua đồi vĩnh biệt
ngơ ngác nhìn quanh chọn chỗ nằm
mai đây lỡ ta chết âm thầm
chắc cỏ dại xanh thêm chút nữa
chín năm tù có gì dám hứa
chết như vầy quả xót đời ta
một màu cờ đợi chín năm qua
chưa thấy lại trước giờ nhắm mắt


nguyễn thanh-khiết
A 20 1986 mùa thanh minh
(một nén nhang cho những người tù đã nằm xuống)






13.4.10

Hai màu áo trận


Ta ở núi tây nhìn sang đông
giang sơn chỉ chảy có một dòng
mười năm nước cạn, bờ này ngóng
sơn hà chỗ đó vói tay không

Ta ở trại nầy đúng sáu năm
chuyển qua, chuyển lại biết mấy lần
vẫn cái trại tù trong thung lũng
cùng một đống người gọi tha nhân

Tha nhân vịn níu thành chung phận
cùng tắm gió mưa một trại tù
ta thân hỉ mũi còn chưa sạch
bên những cội già như trăng lu

Khoái vùng vẫy ta thành nghiệp chướng
thích vung tay ta quẩy phong trần
gió dập cội già nghiêng bốn hướng
mười năm tù phải ngứa tay chân

Tay nhớ thép đen bung ánh lửa
chân tiếc một thời đạp núi non
nay ở chật, trời xanh đâu nữa
cuộc mười năm coi thử mất còn

Mười năm hí hửng ta đi trước
mặc kệ gốc già chết sau lưng
rễ nát ngáng chân làm sao bước
rừng cứ mọc cao chẳng thể ngừng

Ngoái cổ nhìn sau ta ngán ngẩm
những gốc già không trụ mười năm
rỗng ruột, mục thân, vàng khô lá
đường về bến cũ vẫn biệt tăm

Ta ở trại nầy đúng sáu năm
trơ trơ con mắt ngó lăm lăm
ơi hỡi trần gian buồn quá đỗi
những gốc già kia vướng chỗ nằm


  nguyễn thanh-khiết
A 20 tháng 2 năm 1987








Mùa xuân năm thứ mười


Cánh cổng mùa xuân giờ sắp khép
đóng thiên thu nhốt một Việt-Nam
bên ngoài xa nhìn vào cũng đẹp
cũng sơn son phết đỏ đủ màu

vén áo lên thấy đầy những máu
tuột hết quần chỉ thấy xương khô
đảng vét sạch không còn cơm áo
bác xúi quơ quào hết Trung, Nam

coi bộ mười năm ở trại giam
chưa chết đói là ta may mắn
tội cho má ta nhiều can đảm
bán sạch ruộng vườn nuôi dưỡng con

thăm ta là phải vượt Trường-Sơn
qua hết rặng phía đông ngút mắt
thằng Sáu của má giờ đã lớn
ba năm bỏ nhà ở trong bưng

nó mười năm chống tiếp giữa rừng
ở trại bị cùm đâu cho gặp
coi như nó chết từ trong trứng
đảng mà còn má phải mất con

coi bộ mười năm ở núi non
với căm thù mỗi năm chất ngập
sang năm ta phải tới Sài-Gòn
đòi giặc trả một lần cho hết

cánh cổng mùa xuân giờ còn khép
kín bên trong cả nước đi tù
sử bao trang chỗ nào để chép
những trại thù bác, đảng đặt tên


 nguyễn thanh-khiết
A20 – 1987





Mười hai tháng ở trại tù


Tháng giêng không một cánh mai tàn
giữa trại giặc mùa xuân trốn mất
mười năm còn chi, chờ ngao ngán
Trường Sơn giết dần vạn sinh linh

Tháng hai mở đầu năm kế hoạch
đạt chỉ tiêu dâng đảng xác tù
phá rẫy, khai hoang, chào chính sách
cuốc rừng, lấp lũng hết tháng hai

Tháng ba thu mía về nạp trại
cống phẩm làm quà đám đảng viên
đào hố trồng khoai, mang phân rải
tù chết dần bác, đảng y nguyên

Tháng tư đặt hom trên đồi sắn
tù phải trồng, thay gạo hằng năm
sắn Ấn Độ độc tố càng tăng
bác gọi nó là đệ nhất phẩm

Tháng năm đừng mơ ngày Đoan Ngọ
đời đi tù chẳng phút nghỉ tay
sáng mai đứng cuốc trên đỉnh gió
chiều xuống lên giồng mỏi hai tay

Tháng sáu mồ hôi đầm lưng áo
gió hạ Lào thổi rát trên da
thung lũng tử thần nơi gió bão
nơi cùm gông máu ứa thây người

Tháng bảy mưa ngâu không thể có
nắng vẫn khô đốt nóng đêm trường
ngày mai sắn chết coi như bỏ
tù sẽ đói hơn ôi! Trường Sơn

Tháng tám treo giò chờ mưa lũ
chẳng còn gì chuẩn bị cho mưa
rét run, co ro giữa trại thù
nhìn bè bạn về đồi vĩnh biệt

Tháng chín sức người giờ đã kiệt
ba lát khoai khô lực phải tàn
gạo mục làm toàn thân tê liệt
mùa bão về, đợi chết từng đêm

Tháng mười vào đông sương trắng trại
dãy biệt giam vẳng tiếng thở dài
bạn bè ta xương da còn lại
đang chết dần, chết chậm, chết đau

Tháng mười một, rừng khô lá ải
bao tử trống trơn loét và đau
nghiền than làm thuốc đều khắp trại
nửa đêm về nghe tiếng ai rên

Tháng mười hai, năm tàn nguyệt tận
vắt tay lên trán đếm từ đầu
một năm qua, nhớ nhà dăm bận
nói cho cùng chỉ nhục và đau

 
nguyễn thanh-khiết
năm thứ mười ở trại







12.4.10

Mơ đêm rồi lại tưởng ngày


Suốt một đêm bỏ ngủ nằm mơ tưởng
ước chi ta mọc cánh bỏ về nhà
thăm cái chòi tranh, có dòng sông lượn
vợ dại, con thơ chắc đã đi xa
mười năm chẳng biết đường nào trở lại
hết cả kiếp tù chỉ núi và non
chim lạc rừng kêu làm ta tê tái
nợ nước, tình riêng nghĩ mãi không còn

Suốt một đêm bỏ ngủ nằm mơ tưởng
ước chi ta giống một gã Tề thiên
nhổ lông nách hoá thân đầy bốn hướng
phá nát trại giam trên khắp ba miền
vượt Thạch Hãn ào ra cày đất bắc
đập nát “lăng hồ”, tắm máu Phú-Yên
lục tung Hà-Nội, xoá tên đảng tặc
trời! nghĩ tới ngày này ta sướng điên

Suốt một đêm bỏ ngủ nằm mơ tưởng
tưởng cái ngày ra trại xót cho ta
hiên ngang một thuở bưng biền phất phưởng
ba năm giang hồ yên ngựa đã qua
để giặc ban ơn tha về khỏi trại
cái nhục nầy ta rửa mấy cho trôi
trời sinh ra chi cái trò oan trái
biết vậy sa cơ, tự vẫn cho rồi

Suốt đêm mơ cuối cùng trời cũng sáng
buông tiếng thở dài ngó ánh sao mai
cửa sổ nhà giam nhắc chừng giới hạn
buồn lòng ta ngày lại một qua ngày
vác cuốc lên đồi dưới nòng súng giặc
sắp hàng đi mơ tiếp chuyện vượt rừng
ước chi can trường vượt qua trại giặc
cùng dăm thằng tiếp tục bỏ vô bưng


Tiếng cuốc gõ vang trên sườn đá cứng
tan chuyện mơ đêm, nát mộng ban mai
nắng rát da người trưa treo bóng đứng
chút nữa chiều trôi lại hết một ngày
mười năm tưởng tượng theo như cơm bữa
tưởng để quên, để nhớ những nhục hình
sáng ra thức dậy mộng không còn nữa
đêm trong tù mộng giống một bài kinh


nguyễn thanh-khiết
A 20 1987







9.4.10

Mùa khô ở Xuân-Phước


Cả thung lũng tử thần khô dưới nắng
nứt nẻ da người, bong tróc trường sơn
gió Lào bốc hơi rang chín trại tù
mồ hôi chảy mắt mờ đi lên dốc
phá núi, dọn rừng, giặc giăng hàng cọc
chỉ tiêu đảng dành ngày một cho tù
mấy lát khoai cõng vài hạt cơm khô
chén canh rau bằm không hơn ba cọng
đêm khát nằm nghe rừng kêu, gió lộng
mỏi mê với trò họp đội, họp nhà
đấu tố bài đầu đảng dạy, bác lo
lấy bao tử làm thước đo chính sách

A 20 mùa khô suối nguồn chảy sạch
trơ dưới dòng bầy đá nhọn buốt chân
lũ rau hoang ngọn lá đã cháy vàng
trại chết khát, đám tù thêm cái đói
hái vội cụm cúc rừng tàn mùa nắng
mấy cọng rau sam còi cọc bên đường
nồi canh của tù chỉ là chất độn
đánh lừa bao tử cào xót đáng thương
chín năm quay nhìn làm ta kinh ngạc
bằng cách nào ta sống được chín năm
đói, rét, khát, đau, hận ngút trong lòng
trong trại giặc, cùm gông thời đồ đá


nguyễn thanh-khiết
mùa gió Lào 1986








18.3.10

Nỗi đau ngày ba mươi


Những cơn đợi không lẽ dài hơn nữa
mỗi tháng tư qua thêm chút buồn theo
năm thứ năm đã thấy quá bọt bèo
nói chi là tới lúc này ta vẫn đợi
giặc chuẩn bị ăn mừng ngày thắng lợi
cờ treo đầy như phủ kín trại giam
ta đứt ruột nghe tiếng loa vang vang
buồn như thể chuyện xưa đang dựng dậy

Cuối tháng tư cơ hồ như còn thấy
quân hối hả về, người bỏ xứ đi
giặc chiếm thành thì chẳng nói làm chi
không tiếng súng, mà trói tay đành đoạn
ai cũng mong chấm dứt thời ly loạn
khi máu xương đã đổ quá nhiều rồi
nhưng xuôi tay như vầy thật là tội
cho những người từng cầm súng đấu tranh

Thôi thì đã cùng đường đành một kiếp
không có cơ may để dựng lại cơ đồ
cứ cúi đầu nói đại tiếng hoan hô
để mà thấy ruột gan đau từng đoạn
chút sĩ diện là lặng yên nhìn bầy thú
múa vuốt, nhe nanh nén nhục qua ngày
tránh được lúc nào coi đó là may
trong chịu đựng phận một người thua trận

~*~ ~*~

Ôi! ba mươi, tháng tư, ngày quốc hận
ta trùm mền giả như sốt từ lâu
nằm rên la cho giống kẻ đau đầu
để khỏi phải tham gia ngày oan nghiệt
ta biết thái độ nầy không tránh khỏi
chống đối trong tù giặc chẳng tha đâu
cùng lắm là cùm, nghĩ mệt ít lâu
còn hơn chường mặt mà sôi máu giận

Tù cùng đường đành chờ trong vô vọng
dù thắng, thua đã thực hết nước cờ
kệ cứ coi như là mình nằm mơ
biết đâu có cơ may mà làm lại
chín năm nay cứ ngày này ta bệnh
cứ ngày này lòng ta rất là đau
thấy cờ giặc là máu nóng đã trào
nói chi phải đứng nghiêm mà chào nó

 
nguyễn thanh-khiết
A 20 - 30-04-1986






Cái chết đau


hắn chết khi gà rừng gáy sáng
chia tay đời tù tội mười năm
mắt mở nhìn đâu đó xa xăm
như đợi, như chờ người vuốt mặt

ba mươi tuổi cỗi cằn má hóp
lao phổi trong tù thì còn chi
phút cuối hắn thì thào “tao đi”
chưa kịp dặn bạn bè trả hận

hắn chết, mang theo nhiều căm phẫn
mẹ già năm năm chưa gặp con
đi thăm nuôi lê đôi dép mòn
mẹ tới trại vào ngày hắn chết

tội mẹ già van xin khóc kể
đưa xác về quê, giặc lắc đầu
lần cuối nhìn mặt chẳng được đâu
nói chi mang xác tù ra trại

đêm Trường Sơn gió gào trên núi
mẹ khóc vùi ngoài cổng trại giam
nửa khuya giặc đóng vội áo quan
mang hắn đi về đồi vĩnh biệt

bà mẹ thương con làm sao biết
đã đi tù chết vẫn không tha
đòn thù giặc tính cả xác ma
chết cũng phải đền xong nợ máu

thứ nợ bác coi như cơm áo
đòi đến cạn cùng cho cháu con
bao phen thoát chết ở đường mòn
căm hận đó thuộc về chính sách

mẹ ra về, nắng nung tóc bạc
bụi mù mù tiễn bước già nua
A 20 mùa đông thổi, gió lùa
đảng cướp của mẹ thằng con nhỏ

 

nguyễn thanh-khiết
A 20 mùa đông 1985
khi bạn ta nằm xuống





Chuyển trại

Không phải là nhà nên đi hay ở
Chuyện trong tù đi, ở chỉ bằng chơi
Có khi sáng ra đang ở giữa đồi
Chiều khăn gói đi xa thêm mười dặm
Phân trại B nằm sâu bên góc núi
Tù hai hàng giặc dí súng sau lưng
Mùa xuân đường rừng có chút rưng rưng
Bầy hoa lá cũng biết buồn trong gió
Tội những người già chiến chinh gối mỏi
Thở từng cơn trên đường dốc đầy gai
Mảnh cơ đồ là giỏ xách cầm tay
Đường xa nặng cơ hồ như muốn bỏ
Ta đi sau cùng chiến y rất nhẹ
Hai bộ đồ tù nghiêm, nghỉ thay nhau
Cái lon “gô” vật duy nhất bao ngày
Tắm, giặt, nấu ăn, đi cầu với nó
Cái lon mà đời thường không cần có
Trong trại tù chính nó bất ly thân
Chiều nhá nhem khu B đã tới gần
Cũng tường vôi, rào thép gai ngói đỏ
Ẩn bên trong những gì ta thấy rõ
Là gông, cùm, kìm kẹp nặng nề hơn
Ở tù mỗi khi chuyển trại xa thêm
Thì y hệt đường về xa chút nữa
Án tập trung thì khỏi cần chọn lựa
Mỗi ba năm tự ký lại ba năm
Ta cũng mặc cho mầy xa vạn dặm
Coi chỗ nào yên ta sẽ chọn nằm


nguyễn thanh-khiết
A 20 Từ phân trại E vào B 08-1983








13.3.10

Những đòn thù






Mười hai đội dàn ngang đầy cuốc xẻng
Giặc bày trò bác Hồ thích đào ao
Nắng tháng năm mặt trời đứng đỉnh cao
Ao đào chưa quá cổ, mồ hôi tù đã ngập
Giặc trên đê che dù chống nắng
Tù dưới ao nước nóng đầu trần
Tháng tháng qua đi, tù chết dần dần
Thiếu ăn, thiếu mặc, sốt rét rừng hành hạ

~*~ ~*~

Biệt giam, những phòng xây kiên cố
Một cây sắt dài khoá ở ngoài sân
Cùm chữ U lớn, bé xếp thật gần
Giặc chỉ chọn cái nào nhỏ nhất
Cổ chân lớn bỏ cùm vào quá chật
Giặc nói không sao, cầm cái lớn hơn
Một cái gõ thép lấn sâu vào thịt
Đòn thù nầy giặc không cần kìm kẹp
Hiến pháp không ghi, đó là luật trong tù
Máu ứa đầy chân, vết thương mưng mũ
Ngày qua ngày, tù chỉ nằm im
Một cái trở mình, nhức buốt tận xương
Thép chầm chậm ăn sâu vào trong thịt
Thắng lợi đó, đã ghi vào đảng tịch
Ngày tháo cùm, như lên máy chém chẳng khác nhau
Tù nghiến răng nuốt nghẹn cơn đau
Gõ ngược khoen cùm khi máu đã trào
Giặc rút mạnh, mặc cho tù ngất xỉu

~*~ ~*~

Ở biệt giam thứ gì cũng thiếu
Thiếu ăn, thiếu nước, chuyện đương nhiên
Một thúng cơm to đem tận mỗi phòng riêng
Kề tận cổ cho bọt miếng trào vì đói
Giặc chia phần cho mỗi tù nhân rất chậm
Ba muỗng cơm gạt ngang bằng miệng
Nước muối cũng ba, đổ trộn vào cơm
Nước uống một thùng nhưng phải chia ra
Ba muỗng ăn cơm không hơn không kém
Bác dạy rõ khi chia phải từ tốn
Đánh thức con mồi cái thú thèm ăn
Chậm, từ từ, chinh phục tù nhân
Bằng cơn đói, khát, chờ con mồi gục ngả

~*~ ~*~

Thuở tiền sử loài người có ác
Ăn thịt nhau là chuyện thường tình
Hoà bình, đảng thành công, ta có bác
Chuyện giết tù đâu cần tốn đao binh
Thắng lợi hôm nay trên thân xác tù nhân
Mà đảng dạy phải rạch ròi thêm nữa
Nóc biệt giam không cần kín hơn lớp cửa
Khi mưa về hãy để chảy vào trong
Tù khát, ngửa mặt uống – đừng hòng
Bác dạy rải vôi dầy lên là biện pháp
Nước vôi ngứa, mặn mà như chính sách
Để cho môi nứt khô, chết khát giữa mưa tràn
Chuyện đòn thù bác dạy phải sang trang
Cho xứng với Trường Sơn cháu con bác từng lội

~*~ ~*~

Xuân Phước, A 20, trại trừng giới
Ai từng qua đây, Ai ngả xuống nơi nầy
Những bia mộ trên đồi hoang là đây
Hãy thắp nén hương ngó về chỗ ấy
Mấy mươi năm qua những ai sống bình yên
Hãy cúi đầu trước những kẻ đã chết, nhưng còn nguyên
Từng chiến đấu trong âm thầm, trong danh dự
Máu, nước mắt xác thân không thể giữ
Và A 20 lịch sử một trại tù
Những bi thương chỉ đơn giản là một đòn thù
Dành cho những kẻ lỡ lầm buông tay súng

nguyễn thanh-khiết
đội 8, phân trại E, A 20
1982



12.3.10

Cổ thụ bên đường


Trước phân trại B là cây cổ thụ
một cây sung gốc lớn hai người ôm
đó là nơi vệ binh thường đứng đợi
đội đi làm vác súng chạy sau lưng
nó chỉ đơn giản là một cây sung
quanh năm nằm im cho đầy bóng mát
mỗi khi đi ngang nghe mùi thơm ngát
chín đỏ trên cành một thứ, trái sung
bốn năm vào đây ta nhìn nó tự dưng
thèm ghé lại sờ lên những trái chín
giặc thì ghét những bước chân bịn rịn
không ưa ta quay ngó gốc sung già
đội trưởng của ta một gã lưu manh
lon trung uý vô tù khai trung tá
vốn không ưa hạng người dối trá
nên ta bị đì suốt bốn năm dư
hắn không vui và ghét gốc sung nầy
chỉ đơn giản ta thường quay nhìn nó

Hắn không là ta, và như cổ thụ
mặt trời lên mát rượi một chỗ nầy
cái lá cong một hai chấm tròn, dầy
trên mặt lá là cây buồn, cây khóc
xanh biếc một màu mùa xuân đã đến
một chút vàng đi là lúc thu sang
khi đông về làm cây khom lưng xuống
khóc một kiếp tù, thương kẻ bước ngang
cây sung vẫn cao thêm, ta già thêm
cổng trại vẫn nắng, gốc già vẫn mát
ta thương cây sung, trơ trơ đứng đó
ta buồn một ta ngày nào cũng qua


Một hôm về ngang ta nhìn cổ thụ
một lỗ tròn mục rã phía bên trong
bầy sóc rừng đang hái trái chín ngon
trên cái đau của cành sung cổ thụ
ta ngó mình, ngó cây, buồn ảo não
trong thiên nhiên cũng có lắm kẻ thù
ta ở tù mới qua mười mùa thu
trong thu cũng có chút gì độc ác
cây sung già còn bao năm nữa sống
ta còn mấy năm để bước ngang qua
ta thẫn thờ nhìn cây sung của ta
mai hay mốt sẽ có lần ngả xuống
đời không yên không ngày nào cũng mát
tù không yên một ngày ta đi xa


nguyễn thanh-khiết
A 20 mùa thu 1986





Năm thứ 10


tới năm này một cái điều vô nghĩa
ta có về hay nằm xuống nơi đây
hoặc đi thêm một đỗi nữa tù đày
thì cũng vậy có chi đâu là lạ
mười năm tự nhiên ta không muốn nhắc
không muốn ai để ý đến một thằng ta
coi như ta chết từ buổi đi xa
và chuyến đi đó không lần quay lại
năm thứ mười không còn buồn, không nhớ
hết thấy thương ngày tháng của xa xưa
chẳng thèm trông dù một lá thư nhà
chẳng muốn nhắc tên vợ, con, bè bạn
mới hôm trước anh em ngồi bàn tán
hội tù nhân can thiệp xoá trại giam
nhận tin vui nhất là những sĩ quan
những người đã dính dáng chính quyền Mỹ
ta bật cười khi anh em khoái chí
hỏi lúc về ta chọn chỗ nào đi?
trời! bây giờ ta đâu có ngu si
thả, cho về đã khó còn nói chi
đi? không lẽ xúi toàn dân chống cộng
cái xứ nầy cột đèn cũng muốn đi
ta mà đi? cả nước chống để được đi?
việt cộng đâu ngu mà không thấy
tập trung chính trị cái án bất dung
còn việt cộng là cả đời tù tội
năm thứ ba ta đã nhìn ra điều đó
tù trong, tù ngoài hai thứ như nhau
không vui, không buồn những chuyện lu bu
ta im lặng, đêm nhìn mình trên vách
tường nhà lao thì không bao giờ sạch
máu, mồ hôi, nước mắt đã thấm dầy
thứ ta sợ, bị thả ra lúc nầy
ta làm gì? đi đâu? và về đâu?
ba năm vác súng, ta thằng chống cộng
chống lúc một triệu quân chạy bỏ thành
chống khi giặc bắt đầu lập khai sanh
cho Sài-Gòn không thuộc về ta nữa
nếu hỏi ta tại vì sau chống cộng?
ta không quen giải thích kiểu lòng dòng
đơn giản ta từng là lính cộng-hoà
có số quân Thẳng -Tiến khoá của ta
nhưng ta rời nó quay về trường trại
ta cũng bất chấp tội hay không tội
xã hội chủ nghĩa, ta vốn không ưa
đời kiếp nầy hay mai sau cũng thế
chịu đựng mười năm quả là không dễ
nhưng ta, ta có một hướng đi riêng
buồn thì ta viết với cái tình riêng
chứ những thứ khác nói chi thêm… mệt

nguyễn thanh-khiết
A 20 mùa hè 1987






Giai cấp trong tù


trước khi ngủ ta thường hay nghĩ ngợi
nghĩ lung tung chẳng có chút mối mang
nhiều khi nghĩ đến chuyện rất hoang đàng
cho có cái gọi nằm đêm suy nghĩ
chợt một buổi ta lần tay ngồi tính
thử xem mình đang ở tuổi mấy mươi
hoá ra ta chưa tới vạch ba mươi
mà kỳ cục ta già đi quá cỡ
theo cái tên ta, thằng không nịnh bợ
không thích khoe và học làm sang
ta là thằng sinh ra đã nghèo nàn
chín năm đi tù thăm nuôi hai lượt
ta là thằng ghét những ai lừa lọc
không khoái chơi chung tay có vẻ giàu
bởi thế trong tù hay ngó thấp cao
ta bị đá lăn từ khi vô trại

trong đám đông nầy đâu cần phải trái
giặc cũng chơi trò xếp đội ông cha
đội 7 là đội mang tên hoàng gia
chuyên lao động trong nhà hay bóng mát
những người già lưng cong đầu bạc
những tay hom hem bữa bệnh, bữa đau
cộng thêm một số tay to mặt bự
nói chung đó là đội của dân giàu
thiên chúa, tin lành, phật, phe tôn giáo
giặc chia riêng và để ở nhà riêng
phân loại nầy sợ tôn giáo làm phiền
và là nơi giặc lòn tay bòn rút
nhà dòng hay lo cho cha xứ đạo
chùa sợ thầy ốm đói nên lo xa
đáng kể nhất là thành phần thứ ba
lính và thêm những thằng luôn chống cộng

xã hội bên ngoài dẫy đầy giai cấp
thứ trên cao đám thống trị dân đen
dân ngu bị trị là lũ nghèo hèn
đâu cũng thế, và trại tù cũng thế
chín năm rồi ta quen nhiều khuôn mặt
biết nhiều tay, từng một thuở tung hoành
suy cho cùng chỉ nhìn qua hình dung
là biết rõ thứ nên chơi hay né
chín năm ở trại tù ta rất trẻ
tuổi chỉ hơn được có mỗi ba thằng
đa số nhìn ta, họ coi rất rẻ
ta dốt, ngu và chính gốc mồ côi

người ta quên ở tù không có nghĩa
chôn một đời vĩnh viễn hết đường ra
nên có khi vì sợ hay lo xa
nhiều người đã bán thanh danh theo giặc
sợ bị cùm, sợ vợ con không gặp
bán anh em, bè bạn, bán luôn mình
thói thường những khuôn mặt ta coi khinh
nhiều hơn so với số người ta kính
ta đói, ta cô đơn mà ta giữ
cho lòng mình thanh thản lúc xuôi tay
ta khát, ta đau nhưng hứa từng ngày
sống cho ra sống, sống không thẹn mặt
và sống còn không lỗi với con tim


nguyễn thanh- khiết
năm thứ 9 một đời tù - 1986